Hotline 1900-7158

Xử lý khi trẻ chậm đi ngoài


Bình thường, nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn thì 1 ngày thường đi ngoài khoảng 3-5 lần, phân sệt, có mùi chua, nếu trẻ ăn sữa bò thì 1 ngày khoảng một lần, phân thành khuôn, có mùi thối. Trường hợp trẻ vài ngày mới đi ngoài 1 lần và phân không bị khô, cứng thì trẻ có thể mắc chứng chậm đi ngoài.
Nguyên nhân của hiện tượng này đó là:
- Trẻ bú mẹ sau 1 tháng tuổi hay bị chậm đi ngoài do sữa mẹ rất dễ tiêu hóa, không để lại 'bã' nhiều như sữa bột, nên phải vài ngày phân mới tích tụ đủ, làm căng đoạn cuối của ruột già, gây nên phản xạ đại tiện
- Do trẻ bú chưa đủ sữa. Nếu trẻ đi ngoài ít, ngủ nhiều là dấu hiệu trẻ đang bị đói, thiếu hụt năng lượng và có nguy cơ hạ đường huyết. Lúc này, người mẹ cần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, giảm thiểu những căng thẳng thần kinh... để có thể tạo nhiều sữa cho con bú, đồng thời hạn chế ăn các loại gia vị vì chúng có thể gây mùi khó chịu cho sữa làm trẻ bú kém.
Ảnh minh họa
Để khắc phục việc chậm đi ngoài của trẻ, người mẹ chỉ cần cho trẻ bú no, mát-xa bụng quanh rốn cho trẻ hằng ngày (xoa bụng từ phải sang trái, từ dưới lên trên), hoặc cầm chân trẻ cho trẻ tập 'đạp xe đạp' lúc trẻ thức chơi và không ăn no. Nếu làm như vậy, không cần điều trị gì tình trạng chậm đi ngoài của trẻ sẽ tự khỏi.
Ngoài các nguyên nhân cơ năng như trên, trẻ chậm đi ngoài có thể do những tổn thương thực thể, do bị 1 số bệnh như suy giáp trạng bẩm sinh, phình đại tràng bẩm sinh, hẹp hậu môn.
Để điều trị các chứng bệnh này, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa nhi để được chẩn đoán sớm và có hướng xử trí kịp thời.
Theo Sức khỏe & đời sống
Gửi câu hỏi