Hotline 1900-7158

Viêm não 'vào mùa', cần cảnh giác khi trẻ sốt cao, li bì


Viêm não do vi-rút xuất hiện quanh năm và mùa dịch là vào các tháng hè, đỉnh điểm là tháng 6-8.
Trẻ thường có biểu hiện sốt cao, đau đầu, nôn, ngủ li bì, mệt lả…
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, gần đây Bệnh viện Nhi Trung ương và một số cơ sở y tế khác báo cáo ghi nhận rải rác các trẻ viêm não vi-rút. Số ca mắc trên cả nước từ đầu năm đến nay giảm gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên dự báo sẽ gia tăng trong các tháng hè.
Nếu phát hiện sớm, chữa kịp thời thì hiệu quả điều trị bệnh cao hơn. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm bệnh sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như bại não, liệt chân, liệt tay, động kinh, điếc, trí nhớ kém, ảnh hưởng đến kết quả học tập…
Theo Cục trưởng Phu, bệnh có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, qua đường tiêu hóa hoặc qua đường hô hấp. Trẻ dưới 15 tuổi có nguy cơ mắc cao. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương.
Trẻ có nguy cơ mắc viêm não trong mùa hè (Ảnh minh họa)
Bất kể sốt, nôn, đau đầu không rõ nguyên nhân cha mẹ nên nghĩ đến viêm não do vi-rút. Để xác định bệnh, bác sĩ tiến hành chọc dịch não tủy. Điều quan trọng là phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Một khi bệnh đã có đầy đủ các dấu hiệu điển hình thì nghĩa là nặng, co giật, hôn mê, liệt...
Viêm não do vi-rút là bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi-rút gây nên, trong đó có vi-rút viêm não Nhật Bản. Các căn nguyên gây viêm não là vi-rút arbo (trong đó có vi-rút viêm não Nhật Bản), vi-rút herpes, vi-rút đường ruột (như EV71 gây bệnh tay chân miệng)...
Để chủ động phòng bệnh viêm não vi-rút, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh như sau:
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.
- Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
- Riêng đối với vi-rút gây bệnh viêm não Nhật Bản, cha mẹ cần đưa con tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất với 3 liều cơ bản: Mũi một lúc trẻ được một tuổi; Mũi 2 sau mũi một từ một đến 2 tuần; Mũi 3 cách mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
 
Theo Bảo Ngọc/ songkhoe.vn
Gửi câu hỏi