Hotline 1900-7158

Vàng da ở trẻ sơ sinh: Khi nào cần lo?


Vàng da ở trẻ sơ sinh là tình trạng phổ biến, nhất là các bé sinh non trước 36 tuần. Bệnh vàng da có thể ở mức độ nhẹ gọi là vàng da sinh lý, nếu tiến triển nặng hơn sẽ dẫn đến vàng da bệnh lý rất nguy hiểm
Trẻ bị vàng da sinh lý vẫn phát triển khỏe mạnh, ăn ngủ bình thường và sẽ tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, bé bị vàng da bệnh lý hay còn gọi là vàng da nhân nếu không được điều trị sớm sẽ bị nhiễm độc thần kinh, co giật, gây hôn mê và tử vong.
Phân biệt vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý sẽ giúp mẹ có biện pháp điều trị kịp thời
1/ Vì sao trẻ sơ sinh hay bị vàng da?
Đa phần trẻ sơ sinh đều có biểu hiện vàng da trong tuần đầu sau sinh, đây là hiện tượng sinh lý bình thường. Khi các hồng cầu của thai nhi bị phá hủy để thay thế bằng hồng cầu trưởng thành sẽ phóng thích bilirubin, một chất có sắc tố màu vàng. Thông thường gan sẽ lọc bilirubin ra khỏi máu nhưng do trẻ sơ sinh còn quá nhỏ, chức năng gan còn non yếu nên chưa thể loại bỏ nhanh chóng chất bilirubin ra khỏi cơ thể, dẫn đến tình trạng vàng da.
Ngoài ra, vàng da ở trẻ sơ sinh còn do một số nguyên nhân bệnh lý khác như: Xuất huyết, nhiễm trùng máu, sự không tương thích giữa máu mẹ và máu của bé, nhiễm virus hoặc vi khuẩn…Trong những trường hợp này, chứng vàng da thường xuất hiện sớm hơn hoặc muộn hơn nhiều so với vàng da sinh lý.
2/ Các triệu chứng vàng da ở trẻ sơ sinh
– Vàng da sinh lý
Thông thường vàng da sinh lý xuất hiện 24 giờ sau sinh, hết trong vòng 1 tuần với trẻ sinh đủ tháng và 2 tuần với trẻ sinh sớm hơn. Đây là mức độ vàng da nhẹ nên triệu chứng chỉ xuất hiện ở vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn. Trẻ chỉ bị vàng da nhẹ không kèm bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác, vẫn phát triển tốt và lên cân đều.
Trẻ thuộc những trường hợp sau đây thường dễ bị vàng da sinh lý hơn hẳn:
– Những bé sinh non trước 36 tuần có nguy cơ mắc bệnh vàng da sinh lý cao hơn, do gan không có khả năng xử lý bilirubin nhanh như trẻ được sinh đủ tháng.
– Sau khi sinh cơ thể bị bầm tím, sự phân hủy của các tế bào máu đỏ cũng có thể làm cho mức độ bilirubin trong cơ thể bé tăng lên.
– Trẻ bú sữa mẹ có nguy cơ mắc bệnh vàng da cao hơn. Tuy nhiên, những lợi ích mà sữa mẹ mang lại vượt xa những bất lợi mà vàng da có thể gây ra nên các chuyên gia vẫn khuyến cáo mẹ nên cho con bú.
– Vàng da bệnh lý
Vàng da được xem là bệnh lý khi có những biểu hiện bất thường như:
– Tình trạng vàng da đậm xuất hiện sớm
– Qua 1 tuần sau sinh nhưng vẫn không khỏi
– Mức độ vàng da rộng, thậm chí cả toàn thân và mắt
– Vàng da kèm theo các triệu chứng như trẻ lừ đừ, bỏ bú, co giật
– Nồng độ Bilirubin trong máu cao hơn mức bình thường
3/ Cách nhận biết trẻ bị vàng da
Chứng vàng da có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường ở những nơi có đủ ánh sáng. Những trường hợp khó nhận biết hơn khi da trẻ đỏ hồng hay đen, mẹ có thể ấn nhẹ ngón tay cái lên da trẻ trong vài giây sau đó thả ra. Nếu trẻ bị vàng da, nơi ấn ngón tay sẽ có màu vàng rõ rệt, còn bình thường sẽ có màu trắng.
Nếu không được phát hiện sớm để điều trị, bệnh có thể để lại biến chứng nguy hiểm như giảm thị lực, thính lực, đần độn. Bilirubin là một chất độc đối với các tế bào não, khi chất này xâm nhập vào não gây nên bệnh não cấp tính dẫn đến bại não suốt đời.
4/ Cách điều trị khi trẻ bị vàng da
Tắm nắng ấm mỗi sáng là cách điều trị tốt và hiệu quả nhất đối với những trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý. Trường hợp vàng da bệnh lý, mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để theo dõi và điều trị, tùy vào mức độ nặng nhẹ mà có những biện pháp khác nhau.
– Liệu pháp ánh sáng (chiếu đèn): Đây được xem là phương pháp điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh hiệu quả, an toàn và có chi phí thấp nhất. Trẻ được đặt dưới ánh sáng đặc biệt phát ra ánh sáng trong quang phổ có màu xanh, xanh lá cây. Ánh sáng này có công dụng thay đổi hình dạng, cấu trúc phân tử Bilirubin và sẽ được đào thải qua đường nước tiểu, phân.
– Với những bé do phát hiện trễ nên bệnh chuyển biến nặng và có xu hướng nhiễm độc thần kinh mới dùng đến biện pháp thay máu. Thực hiện bằng cách mỗi lần lấy một lượng máu nhỏ của bé rồi pha loãng nồng độ bilirubin, sau đó được truyền lại vào cơ thể.
Theo Marrybaby.vn
Gửi câu hỏi