Hotline 1900-7158

Trẻ 'nghiện' ti giả – Nguy cơ khôn lường


Theo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa, nếu sử dụng núm vú giả không đúng cách sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.
Lạm dụng quá hóa hại con
Một trong những thứ đồ mà mẹ bầu Mai Hương không quên chuẩn bị trước ngày lâm bồn đó là chiếc núm vú giả.
Được những chị em đã có kinh nghiệm làm mẹ tư vấn rằng "bảo bối" ấy sẽ giúp việc chăm con nhàn hơn nên Mai Hương không tiếc tiền đầu tư hẳn chiếc núm vú giả được quảng cáo là hàng xịn, nhập khẩu từ nước ngoài.
Thế nhưng gần đây, hệ thống cảnh báo nhanh với các sản phẩm phi thực phẩm của Liên minh châu Âu phát lời cảnh báo về núm vú giả của một số hãng có chứa chất peroxide - chất có thể gây kích ứng đường tiêu hóa đã khiến Mai Hương vô cùng lo lắng.
Theo các chuyên gia y tế, ưu điểm không thể phủ nhận của núm vú giả là giúp bé thoải mái, dễ ngủ, ít quấy khóc hơn.
Là do trong thai kỳ bé đã có phản xạ mút tay nên khi sinh ra mút hay ngậm là nhu cầu của bé.
Trẻ sơ sinh ngậm núm vú giả sẽ hạn chế nguy cơ ngạt thở dẫn đến tử vong đột đột trong khi ngủ bởi núm vú giả tạo khoảng trống giữa quần áo, chăn quấn, khăn.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, núm vú giả cũng có những mặt trái nhất định. Ngậm núm vú giả có thể khiến trẻ không còn hào hứng với việc bú mẹ, thậm chí còn bỏ bú.
Ngậm núm vú giả trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của răng. Kết quả điều tra trên 327 trẻ có tật mút ngón cái hoặc núm vú giả từ khi mới sinh tới 4 tuổi cho thấy, trẻ mút ngón cái hay bị vẩu răng cửa hơn, trong khi trẻ mút núm giả lại hay bị trệch khớp cắn.
Thống kê trên toàn bộ số trẻ được nghiên cứu cho thấy, thời gian mút núm giả hoặc ngón cái càng dài thì tỷ lệ trệch khớp cắn, vẩu răng càng lớn.
Ngoài ra, trẻ ngậm núm vú giả dễ bị chậm nói gấp 3 lần, trẻ dễ bị viêm tai giữa, dễ bị chai lỳ cảm xúc khi lớn.
Nếu không được vệ sinh hay bảo quản đúng cách, núm vú giả còn là ổ cho các loại vi khuẩn, nấm phát triển.
Sử dụng núm vú giả thế nào cho an toàn
Việc đầu tiên là phải chọn núm vú giả đảm bảo chất lượng (có xuất xứ rõ ràng) được làm từ chất liệu mềm như cao su thiên nhiên, dẻo, không dễ vỡ, rách.
Về kiểu dáng, nên chọn loại núm vú giả có hình dạng truyền thống (có lỗ thông khí trên phần đế, phần đế lớn hơn miệng bé), có tính năng chỉnh hình răng được thiết kế phù hợp với vòm miệng của bé.
Theo các bác sĩ nhi khoa, núm vú giả chỉ thực sự cần thiết trong trường hợp trẻ phát triển bất thường về đường tiêu hóa nên phải ngưng ăn đường miệng tạm thời. Tùy từng hiện tượng cụ thể, bác sĩ sẽ cho bé ngậm núm vú giả để giúp duy trì phản xạ bú mút của trẻ.
Còn với những trẻ phát triển bình thường thì không nhất thiết phải cho ngậm núm vú giả.
Trước khi cho trẻ ngậm núm vú giả nên vệ sinh sạch sẽ sau đó tiệt trùng bằng cách luộc lại bằng nước sôi.
Nếu núm vú giả có dấu hiệu bị rách, đứt thì nên vứt ngay đi. Không nên cho trẻ đã mọc răng ngậm núm vú giả vì bé có thể cắn rách núm vú giả và làm rơi ra những miếng cao su nhỏ mà để bé nuốt phải thì rất nguy hiểm.
Chỉ cho bé dùng núm giả rỗng, tránh các sản phẩm được đổ đầy chất lỏng có thể là nơi trú ẩn của mầm bệnh. Hoặc không bao giờ được ngậm núm vú giả với bất kỳ chất lỏng hoặc chất có vị ngọt nào có thể khiến bé bị sâu răng.
Theo các chuyên gia thì nên cho bé ngừng thói quen ngậm núm vú giả khi bé ở độ tuổi lên 2, không nên để muộn quá sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của răng.
Theo Tamsugiadinh
Gửi câu hỏi