Hotline 1900-7158

Top 10 sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em


Điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em không đúng cách sẽ làm cho bệnh ngày một trở nặng hơn. Muốn con mau khỏi bệnh, mẹ nhất định cần tránh xa những sai lầm sau
1/ Áp dụng cách chữa bệnh lạc hậu
Đối với bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em và bất kỳ trường hợp nóng sốt nào, hãy tránh xa những cách trị bệnh hoàn toàn không có cơ sở khoa học như cắt da để lấy bớt máu ra bên ngoài. Việc làm này hoàn toàn không có tác dụng mà thậm chí còn dẫn đến tình trạng nhiễm trùng và bầm tím. Một trong những cách truyền thống khác cũng nhiều người sử dụng đó là cạo gió, nặn chanh và dùng rượu chà khắp người. Không nên áp dụng những cách để trị sốt xuất huyết ở trẻ em vì bé còn nhỏ, cơ thể rất nhạy cảm. Những tác động bên ngoài như thế này có thể khiến trẻ bị tắc đường thở hoặc ngộ độc.
2/ Lạm dụng thuốc đặt hậu môn
Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em thường khiến các bé sốt cao. Nhiều người cho rằng đặt thuốc hạ sốt ở hậu môn thì không thấm vào cơ thể nên không gây hại gan. Nhưng thực tế thì thuốc vẫn thấm vào máu như thường, nên nếu mẹ cứ đặt thuốc hạ sốt cho trẻ một cách vô tội vạ có thể gây ngộ độc ở trẻ.
3/ Đo nhiệt độ không đúng vị trí
Khi điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em, mẹ cần phải theo dõi nhiệt độ cơ thể của con thường xuyên. Thế nhưng nhiều mẹ vẫn còn lóng ngóng và chưa có kỹ năng đo nhiệt độ thành thạo. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi nên đặt nhiệt kế ở hậu môn, nếu con khó chịu và chông đối thì mẹ có thể chuyển sang đo ở nách. Tuy nhiên mẹ cần lưu ý, nhiệt độ ở nách chênh lệch với ở hậu môn, vì vậy mẹ hãy cộng thêm 1-2 độ để có nhiệt độ chính xác.
Một điều đáng chú ý nữa là nhiệt độ cơ thể của bé tăng cao vào buổi chiều, tối và sau khi thức dậy. Và trẻ em thì thường có thân nhiệt cao hơn người lớn, nên trên 37 độ C cũng không hẳn là trẻ đang sốt. Thông thường thì 37,1 – 38,4 độ C là mức sốt nhẹ và còn an toàn. Khi con sốt 38,5 độ C trở lên thì mẹ mới cần cho con dùng thuốc hạ sốt.
4/ Chườm đá để hạ sốt
Dùng nước đá bỏ trong túi nilon hay khăn vải để chườm trán cho bé là một trong những cách hạ sốt tệ nhất. Các chuyên gia khuyến cáo rằng biện pháp vật lý này chỉ có tác dụng hạ sốt tức thời mà thôi. Cách này không những không làm bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em thuyên giảm mà còn khiến cơ thể trẻ mệt mỏi hơn và có khi còn gây biến chứng, nhiễm lạnh.
Không nên lạm dụng thuốc hạ sốt, miếng dán khi điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em
5/ Ủ ấm quá mức
Tâm lý của các bà mẹ khi con bị ốm là phải giữ con tránh gió và ủ ấm. Nhưng thật ra thân nhiệt cơ thể con đang cao, mẹ phải cho con ăn mặc thoáng mát, thoải mái. Nếu mẹ cứ ủ con trong giường và đắp chăn rất có thể khiến thân nhiệt tăng cao và gây co giật. Việc này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về sau như tổn thương não và động kinh.
6/ Luôn giữ con ở trong phòng kín
Sai lầm khác của các mẹ đó là luôn muốn con nằm im một chỗ để nghỉ ngơi. Thực ra, mẹ nên cho con có tâm lý thoải mái và đến những nơi thoáng khí thay vì chỉ ở mãi trong phòng ngủ. Bé có thể vui chơi nhưng tránh hoạt động quá nhiều và quá mạnh.
7/ Cung cấp dinh dưỡng sai cách
Trong khoảng thời gian con đang bị sốt xuất huyết mẹ không nên cho con ăn uống những loại nước có màu đỏ, nâu, đen hoặc có gas như nước xá xị, nước trái cây đậm màu như củ dền, dưa hấu. Lí do là những loại này sẽ khiến mẹ nhầm lẫn hoặc khó nhận biết trường hợp con tiểu ra máu, đi tiêu hay nôn ra máu khi bệnh trở nặng.
Và trong thời gian này mẹ cần cung cấp thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nhưng không nên vì thế mà lựa chọn những món có nhiều dầu mỡ, khó tiêu. Mẹ cũng nên cho con ăn thức ăn lỏng, loãng để bé dễ nuốt.
8/ Cung cấp không đủ nước cho con
Khi con sốt, cơ thể sẽ bị mất nước nhiều, gây mệt mỏi, kém ăn và kém uống. Mẹ không vì con từ chối uống mà lơ là không cung cấp đủ nước cho trẻ. Với trẻ sơ sinh thì cần đảm bảo nạp đủ từ 500 đến1.500 ml trong ngày và ở trẻ trên 5 tuổi thì phải nạp trên 1.500 ml. Để con không bị ngán, mẹ có thể tối đa hóa lựa chọn cho con bằng nước cam, nước chanh, nước sôi để nguội.
9/ Tâm lí chủ quan
Khi chăm con, mẹ hay có suy nghĩ “hết sốt là hết bệnh” nhưng mẹ cần lưu ý rằng hết sốt cũng rất có thể là lúc bệnh chuyển sang nặng hơn. Vì vậy, mẹ phải luôn chú ý và theo từng biểu hiện của cơ thể con cho đến lúc hết hẳn.
10/ Ngại đi bệnh viện
Hãy để những người có chuyên môn điều trị và khám cho con thay vì dựa vào kinh nghiệm và tiên đoán của bản thân. Mẹ nên cho con đi khám và tái khám đúng lịch của bác sĩ. Nhiều trường hợp chủ quan đã đẩy tình trạng bệnh của con trở nặng và rất khó để điều trị.
Để trị bệnh nhanh chóng và hiệu quả thì phải có sự phối hợp giữa phương pháp của bác sĩ và sự chăm sóc của gia đình. Mẹ chăm sóc cẩn thận và đúng cách thì con sẽ sớm khỏi bệnh mẹ nhé!
Theo Marrybaby
Gửi câu hỏi