Hotline 1900-7158

Lưỡi trẻ sơ sinh bị trắng: Nhận biết và xử lý nấm miệng


Lưỡi trẻ sơ sinh bị trắng có thể chỉ là do ít được vệ sinh, nhưng cũng không hiếm những trường hợp bé bị nhiễm nấm ở lưỡi và những nơi khác trong khoang miệng. Mẹ nên phân biệt rõ hai dạng bợn trắng ở lưỡi để biết khi nào bé bị nấm và đưa ra cách xử lý thích hợp nhất
Lưỡi trẻ sơ sinh bị trắng thường không đáng lo ngại, nhưng nếu bị nhiễm nấm có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bé
Nguyên nhân làm lưỡi trẻ sơ sinh bị trắng
– Do lưỡi bé không được vệ sinh thường xuyên: Trong quá trình cho con bú mẹ không thường xuyên vệ sinh miệng cho bé khiến sữa còn đọng lại trên thành lưỡi. Lâu ngày lưỡi bé sẽ càng trở nên trắng hơn, các mảng bám càng nhiều hơn. Các chuyên gia đều khuyên mẹ nên thường xuyên vệ sinh lưỡi cho bé để tránh tình trạng lưỡi trẻ sơ sinh bị trắng.
– Do bé bị nấm miệng: Ngoài nguyên nhân trên thì nấm chính là “thủ phạm” hàng đầu làm lưỡi bé bị trắng. Đặc biệt, tình trạng này thường xảy ra do nấm Candida albicans trong khoang miệng phát triển một cách bùng nổ do môi trường trong khoang miệng bị mất cân bằng. Mẹ sẽ thấy trong miệng bé có những đốm hay mảng trắng như sữa đông hay phô mai.
– Bé phải dùng kháng sinh: Trong trường hợp bé phải dùng thuốc kháng sinh sẽ làm rối loạn lợi khuẩn khiến cho nấm Candida dễ dàng lây lan nhanh chóng. Nếu mẹ uống kháng sinh khi cho con bú cũng có thể gây ra tình trạng này.
– Do mẹ nhiễm nấm: Nếu người mẹ bị nhiễm nấm có thể lây sang bé khi cho bú.
– Bé bị lây từ mẹ trong ca sinh: Khi mang thai vùng âm đạo của mẹ bị nhiễm nấm Candida nếu không điều trị dứt điểm sẽ lây qua cho bé trong quá trình sinh thường.
Trẻ sẽ bị ảnh hưởng thế nào khi lưỡi bị trắng?
Đối với những trường hợp lưỡi trẻ sơ sinh bị trắng do đọng cặn sữa, khi nhìn vào miệng bé mẹ sẽ thấy một lớp phủ màu trắng nằm trên mặt lưỡi. Chỉ cần dùng miếng băng gạc quấn trên đầu ngón tay rồi nhẹ nhàng chà xát nhẹ vào khoang miệng trẻ. Kết quả là những đốm trắng sẽ dễ dàng được lấy đi và làm sạch, vì vậy mẹ không nên quá lo lắng. Ngoài nước đun sôi để nguội, mẹ còn có thể dùng nước muối sinh lý để vệ sinh lưỡi, miệng cho mẹ.
Nhưng mẹ cũng không được chủ quan với việc lưỡi trẻ sơ sinh bị trắng, vì nếu không vệ sinh sạch sẽ thì trẻ có nguy cơ bị nhiễm nấm rất cao. Dấu hiệu đầu tiên là xuất hiện những mảng trắng có hình dáng tròn, nhỏ giống như nổi cục bên trong lưỡi, vòm họng, má hoặc môi. Những đốm này rất “cứng đầu” nên mẹ sẽ gặp khó khăn khi làm sạch. Sau khi loại bỏ được những đốm trắng mẹ sẽ thấy bên trong miệng bé có nhiều nốt đỏ điều này đồng nghĩa với việc trẻ đã bị nhiễm nấm và cần được điều trị bằng thuốc.
Nấm miệng hay tưa lưỡi thường không gây ra đau đớn hay khó chịu nào cho trẻ. Nhưng trong một số trường hợp, tưa lưỡi khiến trẻ rất khó chịu, biếng ăn, bé sẽ bắt đầu khóc khi bú sữa vì bị đau miệng. Nếu không điều trị sớm, nấm mọc dày và có thể lây lan rất nhanh xuống cổ họng, thực quản, khí quản gây viêm phổi, tiêu chảy rất nguy hiểm.
Xử lý tình trạng lưỡi trẻ sơ sinh bị trắng
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” do đó mẹ cần chủ động thường xuyên rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh. Đây là cách tốt nhất giúp bé không bị vi khuẩn tấn công cũng như giúp bé cảm nhận được hương vị tốt hơn, ăn ngon miệng hơn.
Với những bé bú mẹ hoàn toàn thì khả năng bị nhiễm nấm lưỡi thấp hơn. Đồng thời việc vệ sinh lưỡi cũng đơn giản hơn, mẹ hãy rơ lưỡi cho bé bằng nước ấm 2 lần/ngày để làm sạch. Ngoài ra, trước khi cho con bú mẹ cũng cần vệ sinh đầu ty sạch sẽ để đảm bảo an toàn.
Nếu bé dùng sữa công thức thì sau khi bú xong mẹ nên cho bé uống thêm ít nước lọc để làm sạch lưỡi. Vệ sinh rơ lưỡi cho bé hàng ngày, cần tiệt trùng bình sữa, núm ty và các dụng cụ khác.
Khi bước vào tuổi ăn dặm mẹ cần cho trẻ uống nước sau khi ăn bất kỳ loại thức ăn nào và vẫn tiếp tục vệ sinh miệng cho bé, mẹ nhé!
Lưu ý dành cho mẹ khi rơ lưỡi bé
– Trong quá trình rơ lưỡi có thể làm bé bị nôn do đó mẹ hãy thực hiện khi bé đang đói, tốt nhất là vào buổi sáng.
– Mẹ cần vệ sinh tay sạch sẽ đồng thời cắt ngắn móng tay tránh làm bé bị trầy xước.
– Không nên dùng mật ong rơ lưỡi cho bé, đặc biệt là bé dưới 1 tuổi.
– Khi trẻ bị tưa lưỡi, mẹ tuyệt đối không được cậy các đốm trắng ra vì sẽ gây chảy máu dẫn đến nhiễm trùng.
Theo Marrybaby
Gửi câu hỏi