Hotline 1900-7158

Làm gì khi bé lười ăn?


Lười ăn là hiện tượng hay gặp ở trẻ và có nghịch lý là các gia đình càng chú ý chăm sóc trẻ bao nhiêu thì trẻ càng lười ăn bấy nhiêu.
Có trẻ sợ ăn tới mức đến bữa thấy cho ăn là khóc hay chạy trốn. Có trẻ chỉ ăn nước rau chan, nước tương, mắm… với cơm mà không chịu ăn thịt, cá, sữa và rau quả dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Có nhiều nguyên nhân làm trẻ biếng ăn, chẳng hạn khi mắc các bệnh cấp tính (sốt, viêm mũi họng, tiêu chảy…), mọc răng sưng lợi hoặc lười ăn vì trước đó ăn quà vặt hoặc uống nước ngọt…
Nếu trẻ biếng ăn do mắc các bệnh cấp tính thì phải điều trị trước và thực hiện chế độ nuôi dưỡng tốt hơn. Khi trẻ bắt đầu ăn bổ sung thì nên tập cho ăn đa dạng và luôn thay đổi cách chế biến để kích thích ăn ngon miệng. Không ép trẻ ăn đủ từng bữa nhưng cố gắng ăn đủ số lượng thức ăn trong ngày (lấy bữa nọ bù bữa kia).
Chế biến thức ăn không hợp khẩu vị cũng khiến trẻ biếng ăn. Nguyên nhân thường là do người chăm sóc trẻ thiếu kỹ năng cho ăn và chế biến thức ăn cho trẻ. Khẩu vị của trẻ cũng giống như người lớn, nếu cứ bắt ăn thường xuyên một loại thức ăn nào đó thì trẻ sẽ chán ăn.
Nếu có điều kiện nên đổi các món ăn trong ngày (trong một ngày ăn 3-4 bữa bột thì có thể cho ăn bột trứng, bột thịt, bột tôm…). Rau cho vào bột cũng phải thay đổi cho hợp mùi vị (ví dụ: bột thịt cho rau ngót, bột cá cho rau cải, bột cua, tôm cho rau mồng tơi…).
Với trẻ đã ăn cháo, nếu ngày nào cũng chỉ nấu một nồi cháo thịt hoặc xương hâm đi hâm lại thì trẻ sẽ chán ăn. Một nồi cháo trắng, mỗi bữa thêm một loại thực phẩm khác nhau để chế biến thành cháo cá, cháo tôm, cháo thịt gà… sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Dùng thức ăn như sữa, chuối trộn lẫn với thuốc để đánh lừa trẻ sẽ làm trẻ sợ và luôn cảnh giác với những thức ăn đó.
Khi trẻ lớn hơn nên kể chuyện ngộ nghĩnh về thức ăn. Với trẻ biếng ăn do yếu tố tâm lý (hay gặp ở gia đình có bà mẹ quá lo lắng; mẹ phải đi làm nên cho trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ, gửi người khác trông…), người mẹ cũng không nên quá lo lắng vì qua một thời gian trẻ sẽ thèm ăn trở lại.
Khi cho trẻ ăn phải tạo không khí thoải mái, chỉ dỗ dành chứ không dọa nạt, trẻ không muốn ăn thì thôi chứ không bắt ép; có thể cho trẻ vừa chơi vừa ăn, ăn cùng với trẻ con hàng xóm, dần dần tạo ra phản xạ thích thú khi ăn uống.
Đặc biệt không nên để trẻ nhịn đói, trẻ càng nhịn đói thì bữa sau lại càng không muốn ăn, dù trẻ ăn ít cũng phải cho ăn và cho ăn nhiều bữa trong ngày.
8 “thói quen” khiến trẻ lười ăn
Không ít trẻ “lười” ăn là do thói quen ăn uống không tốt. Những thói quen này lại xuất phát từ sự chăm sóc “lơ là” và không đúng cách của các ông bố bà mẹ.
1. Không chú ý giai đoạn ăn dặm
Khi bước vào giai đoạn ăn dặm, không chỉ nhu cầu dinh dưỡng của bé tăng lên mà đây còn là một cách “tập luyện” giúp phát triển vị giác và khả năng nhai.
Nếu “vô tâm” trong giai đoạn này sẽ làm cho chức năng nhai phát triển chậm chạp. Sau này, trẻ chỉ thích tiếp nhận những thực phẩm “lỏng”, từ chối những thức ăn cần nhai như rau xanh, hoa quả, thịt băm nhỏ….
Lời khuyên của chuyên gia:
Ngoài 4 tháng tuổi, bạn cần dần dần từng bước cho trẻ ăn thêm thức ăn ngoài, nguyên tắc là từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc, từ mềm đến cứng, từ nhỏ đến to và từ một loại đến nhiều loại.
Từ 6 – 8 tháng tuổi là lúc quan trọng để trẻ học cách nhai và khả năng nhai nuốt thức ăn, ở giai đoạn này bạn cần phải thường xuyên cho trẻ ăn những thực phẩm có độ cứng như: bánh mỳ, bánh quy.
2. Cho trẻ ăn vặt tuỳ ý
Khi bắt đầu biết ăn, những loại kẹo ngọt và socola thường rất hấp dẫn trẻ. Nếu cho trẻ ăn tùy tiện sẽ dẫn tới tình trạng “lửng dạ”, không hào hứng với các bữa chính.
Lời khuyên của chuyên gia:
– Hạn chế cho trẻ ăn vặt tối đa vì nó ảnh hưởng đến khẩu vị và cảm giác thèm ăn của trẻ.
– Chọn những đồ ăn vặt có giá trị dinh dưỡng cao và thích hợp với từng độ tuổi của trẻ như lương khô, hoa quả khô, mứt trái cây, sữa chua…
– Cũng “lập thời gian biểu” cho bữa phụ giống như bữa chính. Lưu ý trước khi ăn cơm và trước khi ngủ không nên cho trẻ ăn vặt.
– Đối với những trẻ không thích ăn cơm thì càng phải kiểm soát các bữa ăn phụ. Nên cất giữ các đồ ăn vặt ở nơi trẻ không chú ý đến.
3. Ăn tốt nhưng ít vận động
Qua tham khảo, bạn biết chế độ dinh dưỡng cho bé rất hợp lý, các món rất ngon miệng nhưng không hiểu sao bé ngày càng lười ăn. Phải chăng bạn đã quên mất một điều là khuyến khích bé vận động?
Lời khuyên của chuyên gia:
Bạn nên thường xuyên cho bé ra ngoài hoạt động, chạy nhảy, không nên để bé cả ngày ở trong nhà “ôm” lấy cái ti vi hay chơi điện tử.
4. Giờ ăn “tùy hứng”
Một số bà mẹ cho rằng nếu trẻ không muốn ăn thì mặc kệ trẻ, đợi trẻ đói rồi tức khắc sẽ đòi ăn nhưng càng chờ càng sốt ruột. Thực tế, nếu để tình trạng kéo dài sẽ gây ra rối loạn khả năng hấp thụ của trẻ.
Một số bà mẹ lại quá bận rộn, bản thân không ăn uống đúng giờ nên trẻ cũng đương nhiên theo luôn nếp đó.
Lời khuyên của chuyên gia:
Là tấm gương để con soi vào nên hãy gắng ăn ngày 3 bữa vào một giờ nhất định. Trước bữa ăn khoảng 5 – 10 phút nên nhắc nhở trẻ chuẩn bị đến giờ ăn.
Nếu trẻ khoảng 5 – 6 tuổi thì có thể để cho trẻ tham gia chuẩn bị bữa ăn như nhặt rau, sắp chén bát. Như vậy trẻ sẽ có một quá trình chuẩn bị tâm lý, dịch vị được tiết ra, ăn sẽ “vào” hơn.
Vào bữa, các thành viên trong gia đình nên tạo không khí ăn cơm đầm ấm vui vẻ. Nếu trẻ nhất thời không muốn ăn, bạn cần nhắc nhở trẻ: “Nếu bây giờ không ăn thì phải chờ đến bữa tối mới được ăn đấy” hoặc “Con không ăn thì sẽ bị mọi người ăn hết phần đó”.
5. Dung túng thói quen ăn uống không tốt
Trong mắt của trẻ, mọi hoạt động đều là “trò chơi”, ăn cơm cũng không ngoại lệ.
Một số trẻ có thói quen vừa ăn vừa chơi, có trẻ còn thích vừa ăn vừa xem ti vi, nếu không cho xem thì không ăn. Những thói quen không tốt này đều làm cho trẻ phân tán sự tập trung khi ăn, từ đó ảnh hưởng đến cảm giác ăn uống.
Lời khuyên của chuyên gia:
Vào giờ ăn, bạn nên thu hết tất cả mọi đồ chơi của trẻ, tắt ti vi để cho trẻ tập trung vào bữa ăn. Khi trẻ ngoan ngoãn ăn cơm và ănngon miệng thì nên kịp thời cổ vũ bé.
Trong thời gian ăn cơm, nếu trẻ có ngó ngoáy hay chạy vòng quanh rồi quay lại bàn ăn ngay thì bạn cũng không nên ngăn cấm. Tuyệt đối không chạy theo sau để cố đút cơm cho trẻ.
6. Chỉ ăn món “khoái khẩu”
Bố mẹ là tấm gương vì thế nếu trẻ nói “con không ăn” thì bạn cũng đừng vội bực bội.
Mỗi bà mẹ đều có món khoái khẩu và những món “nghĩ đã sợ” và rất có thể bé cũng đang học bạn điều đó.
Lời khuyên của chuyên gia:
Bạn không nên tỏ thái độ thích ăn món này ghét ăn món kia trước mặt trẻ. Bạn nên cho trẻ thấy mỗi loại thực phẩm đều có hương vị rất ngon và đều rất có lợi cho cơ thể.
7.Cho trẻ ăn riêng
Một số bà mẹ muốn trẻ ăn được nhiều nên có thói quen cố ý cho trẻ ăn trước hoặc sau bữa ăn với gia đình. Có thể các ông bố bà mẹ không biết, trẻ ăn cơm cũng cần có một không khí đầm ấm. Nếu ăn cùng với cả gia đình thì trẻ sẽ ăn ngon hơn, nhiều hơn so với khi ăn một mình.
Lời khuyên của chuyên gia:
Hãy sắp xếp cho trẻ một chỗ ngồi cố định trên bàn ăn, động viên trẻ cùng ăn cơm với cả gia đình. Nếu trẻ chưa thể tự xúc thì bạn có thể vừa ăn vừa đút cho trẻ. Sau khi trẻ nắm vững được “kỹ năng” ăn uống thì bạn nên để cho trẻ tự lập và tự giác có thói quen ăn uống.
8. Không chú ý tạo dựng không khí ăn uống
Bữa cơm nên kết thúc ở trong không khí vui vẻ nhưng rất nhiều bà mẹ không chú ý đến vấn đề này. Khi trẻ thể hiện không muốn ăn, những người mẹ nóng vội sẽ thể hiện tính không kiên nhẫn, không đánh thì sẽ mắng, ép cho trẻ ăn được thì mới thôi. Ở trong môi trường như thế thì ai còn có “hứng thú” để ăn nữa?
Lời khuyên của chuyên gia:
Ép buộc trẻ ăn cơm không phải là giải pháp tốt nhất. Nếu trẻ thực sự không muốn ăn thì cũng không nên quá ép.
Đợi 30 phút sau hãy thử bón cho trẻ ăn lại. Đói là sự “bắt ép” tốt nhất với trẻ. Nếu sau khi bỏ 1 bữa mà trẻ vẫn chưa có cảm giác đói thì nhất định là đường tiêu hoá của trẻ có vấn đề. Lúc này bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện khám, không nên tuỳ tiện cho trẻ bổ sung vitamin hay thực phẩm dinh dưỡng.
Bé lười ăn phải làm sao?
Bé lười, bé chán ăn luôn là nỗi lo lắng của bao cặp vợ chồng trẻ. Sau đây chúng tôi xin chia sẻ với bạn đọc một số kinh nghiệm chăm sóc bé chán ăn, bé lười không chịu ăn
Bé lười ăn phải làm sao?
Làm gì khi bé lười ăn?
Không ép bé
Kinh nghiệm của nhiều bà mẹ có kinh nghiệm cho thấy rằng nếu bạn ép bé ăn, bé sẽ nghĩ ra rất nhiều chiêu để “dọa” mẹ hoặc phản ứng lại mẹ. Cách nguy hiểm nhất mà nhiều bé sử dụng là nôn hay trớ ra thức ăn. Tất nhiên, không phải bé nào cũng cố ý làm điều này. Nhiều khi bé cũng không nhận thức rằng bé cố tình làm như vậy để không phải ăn nữa. Đó là một phản ứng tâm lý mà bé thấy thành công, sẽ áp dụng tiếp.
Khi chúng ta ép con, bé sẽ thấy việc ăn thật là khổ, là cực hình, mà chả ai lại chào đón một cực hình cả. Khi người lớn chúng ta không muốn ăn, ai đó cứ ép chúng ta, thậm chí ấn vào miệng thì sẽ như thế nào? Việc ăn đó sẽ chả ngon lành gì, lại còn “ăn” thêm vào dạ dày bao nhiêu bực mình, ức chế, khó chịu nữa. Và một khi bé đã coi việc ăn là cực hình, nhìn thấy bát cháo là sợ, thì chuyện bé lười ăn, biếng ăn “trường kỳ” là điều dễ hiểu.
Với một số gia đình, vấn đề nhiều khi không phải là bé lười ăn mà là bố mẹ mắc bệnh… ép con ăn. Thậm chí có trường hợp con béo phì mà bố mẹ vẫn luôn ca bài ca: con tôi không ăn được mấy. Phải ép nó mới ăn một chút!
Không nên kéo quá dài thời gian
Nhiều bé ăn từ sáng đến trưa mới xong, ăn trưa kéo dài đến chiều. Cả ngày cứ thế toàn là ăn, mà có nhiều nhặn gì đâu. Bố mẹ mỏi mệt là bé thì cũng chán ngán không kém. Phải xác định thời gian cho bé, mỗi bữa ăn chỉ nên dưới 30 phút, sau đó thì sẽ không ăn nữa. Nếu bé ăn ít quá thì sau đó có thể bổ sung cho bé sữa chua, hoa quả hoặc những thức ăn có chất dinh dưỡng khác.
Nhật ký măm măm
Dành cho bé một cuốn nhật ký, hoặc một phần cuốn nhật ký, để viết về việc măm măm của bé. Ngày hôm nay bé ăn món gì? Ăn được bao nhiêu? Mất bao nhiêu thời gian? Các cách đã sử dụng để dỗ bé ăn? Bé hứng thú với món gì nhất? Hãy theo dõi hàng ngày và ghi đều đặn vào sổ nhật ký. Bạn sẽ biết nhiều về “phong cách măm măm” của bé và áp dụng chiến lược phù hợp .
Cách này khá hữu ích, tuy nhiên hơi mất thời gian. Nếu bạn áp dụng, hãy giữ gìn cuốn sổ cho con đến khi lớn lên nhé, khỏi nói con bạn sẽ cảm động đến nhường nào.
Bỏ đói một trận
Cách này nghe ra có vẻ… dã man. Mới nghe các ông bố bà mẹ hẳn đã rùng mình. Làm sao làm thế với con được. Lỡ nó có làm sao? Rồi con lại không béo lên được. Con mình suy dinh dưỡng mất…
Các bậc bố mẹ đáng kính mọi chuyện chẳng nghiêm trọng đến vậy đâu. Nhất là với bé nhà bạn. Chả có đứa trẻ nào muốn chết đói cả. Nếu bé đói, cơ thể bé ngay lập tức sẽ đòi hỏi. Bé sẽ hăm hở lao vào ăn ngay, đâu cần bạn ép. Cái hay nhất của việc cho bé bỏ một bữa là bé sẽ rất đói bữa tiếp theo, bé sẽ ăn rất ngon lành và hứng thú mà bạn chả cần tốn thời gian năn nỉ gì. Bé sẽ ý thức được rằng được ăn thật là sung sướng, không phải là cực hình như bé có thể nghĩ. Sao bạn không thử xem?
Ăn là… ăn: Không tivi, không đi rong, không bày trò
Chuyện bố mẹ ông bà phải cho bé đi rong khắp nơi, thậm chí thuê xích lô cho bé lòng vòng, hay bật quảng cáo cho bé xem và cứ thế bón bón, rồi nghĩ đủ trò cho bé chơi để ăn, mỗi ngày mỗi kiểu… là chuyện quá thường xuyên ở phố.
Theo một số bà mẹ, việc này là không nên, vì bé chỉ chú tâm đến việc chơi, xem tivi hay nhìn ngắm mọi thứ, làm sao ăn thấy ngon được. Cũng như người lớn thôi, nếu vừa ăn vừa xem tivi đọc báo, không bao giờ thấy ngon. Vậy mà rất nhiều bố mẹ ông bà lại tập cho các bé thói quen này, chiều chuộng mọi cách miễn sao cho bé ăn là được.
Cần phải luyện tập cho bé thói quen ăn uống có kỷ luật ngay từ bé
Phải đặt ra cho bé nguyên tắc ăn: Ăn là phải ăn tại bàn, ngồi trên ghế, ăn xong muốn đi đâu thì đi, chơi gì thì chơi. Nếu bé không chịu thì không ăn nữa, dù là cả những thứ bé rất thích. Và một điều quan trọng là cha mẹ hãy tạo ra một không khí vui vẻ cho bữa ăn của bé. Giờ ăn trở nên rất nhanh và nhẹ nhàng. Bé ngồi một chỗ, tập trung vào ăn hơn, do vậy ăn ngon miệng hơn và ăn được nhiều hơn.
Theo Marry Baby
Gửi câu hỏi