Hotline 1900-7158

Kinh nghiệm dạy con ngoan: Làm sao để thuần hóa hổ con?


Nóng giận, khó kiềm chế cảm xúc, có thái độ, hành động hung hăng với người xung quanh, mẹ có thấy những miêu tả này giống với cục cưng của mình? Bí quyết dạy con ngoan trong thời kỳ khủng hoảng như thế nào? Thử tìm hiểu kinh nghiệm của mẹ Táo - người đã "huấn luyện" thành công hổ con, các mẹ nhé!
Ngay cả với người lớn, việc kiểm soát cảm xúc đôi khi cũng không dễ dàng. Do đó, việc trẻ nhỏ hay giận dữ, không kiềm chế cảm xúc, hành động của mình cũng là điều dễ hiểu. Đặc biệt, khi bước vào tuổi lên 2-3, giai đoạn khủng hoảng tâm lý, bé thường có những biểu hiện tâm lý cũng như hành động phức tạp.
Không nằm ngoài cơn khủng hoảng, bạn Táo với vẻ ngoài xinh trai, nhưng tính cách lại rất cá biệt. Mặc dù là đứa trẻ có nhiều tình cảm, bản chất tốt, song bạn không giỏi quản lý cảm xúc và có xu hướng bạo lực, đặc biệt trong giai đoạn mầm non. Mẹ Táo đã xử lý như thế nào? Tham khảo kinh nghiệm mẹ Táo chia sẻ sau đây để tìm ra bí quyết dạy con ngoan trong thời kỳ khủng hoảng của riêng mình, mẹ nhé!
Để có thể vượt qua khủng hoảng, mẹ và những người xung quanh bạn Táo đều phải nỗ lực rất nhiều
Thuần con như thuần hổ?
Nhắc đến sự hung hăng của Táo, đơn giản như lúc bạn 2-3 tuổi, tình trạng mẹ bị “ăn chưởng” của bạn mỗi ngày là chuyện hết sức bình thường. Có hôm mẹ đang ngồi dưới sàn nhà, bỗng bạn phóng từ trên giường xuống, đập tay rất mạnh vào đầu làm mẹ choáng váng, xây xẩm. Mỗi buổi sáng gọi bạn thức dậy đi học là một cuộc chiến không hồi kết. Rồi khi bạn nổi giận tam bành vì không vừa ý chuyện gì, với mẹ có thể ví như một cơn bão khủng khiếp. Đỉnh điểm là chuyện bạn thẳng tay đập vào mặt đồng nghiệp của mẹ khi cô ấy góp ý về thái độ giận dữ của bạn. Thế là từ đó, mẹ không dám dẫn bạn ra ngoài hay đi chơi chung với mọi người.
Hiểu tính con cộc cằn, nóng tính, mẹ đăng ký tham gia một số khóa học về nuôi dạy con trẻ để cải thiện tình hình. Nào là ứng dụng Kỷ luật không nước mắt, hết cách này đến cách khác, nhưng buồn thay kết quả như muối bỏ bể. Không ít bạn bè, người thân khuyên mẹ nên thẳng tay trừng trị bằng đòn roi. Thậm chí ngày lên chùa thỉnh các sư phụ, mẹ còn nhận được lời khuyên: Thuần con như thuần hổ, nhốt hổ vào chuồng không sớm thì muộn hổ sẽ mất nhuệ khí và bản tính thú dữ.
Khi cuộc leo thang đòn roi đến hồi kết, chú hổ con liệu có còn bình thường, hay thảm hại và nhụt chí đến vô cùng?
Tuy nhiên, hơn ai hết, mẹ hiểu đòn roi không phải là giải pháp cho cả mẹ và Táo. Chỉ cần một lần đánh, có thể hôm đó bạn sẽ chịu thua, nhưng ngay hôm sau, bạn sẽ đánh lại mẹ với thái độ y đúc. Giải quyết thế nào đây, chẳng lẽ lại tăng cấp độ đánh con? Và rồi khi cuộc leo thang đòn roi này đến hồi kết, chú hổ con của mẹ sẽ thảm hại, nhụt chí đến nhường nào? Mẹ và bạn cứ thế loay hoay trong cuộc chiến tranh giành quyền lực dai dẳng lâu, rất lâu. Mẹ hết cứng lại mềm, hết phương pháp này đến bí quyết nọ. Cho đến một ngày mẹ tìm ra phương pháp dạy con cuối cùng, của chính mẹ: Thuần hóa từ bản thân mẹ hổ trước.
Thay đổi từ chính mẹ
“Họa vô đơn chí”, cứ mỗi khi mẹ căng thẳng vì áp lực, bận rộn, con lại càng hư, càng quậy phá, ngỗ nghịch. Vì thế, mẹ càng dễ nổi điên, mất kiểm soát, la mắng, thậm chí đánh con. Việc đầu tiên mẹ cần làm đó chính là học cách kiểm soát cơn giận của chính mình. Mẹ bắt đầu bằng những biện pháp cơ bản như đeo vòng ở bàn tay thuận để kịp nhìn thấy và dừng lại đúng lúc mỗi khi đưa tay lên đánh con. Tiếp theo phải kể đến phương pháp bỏ hết, ra ngoài tập trung hít thở, thả trôi hết những khó chịu, cáu bẳn trong người.
Cũng nhờ thế, mẹ biết được rằng hóa ra con chính là tấm gương phản chiếu của mẹ. Ảnh hưởng nặng nề bởi tâm trạng căng thẳng từ mẹ, con trở nên hung hăng. Con bạo lực vì chính mẹ ứng xử bạo lực với con. Cách mẹ quản lý cảm xúc chính là cách mẹ chỉ con quản lý tình cảm của chính mình.
Giai đoạn hai, mẹ tập bày tỏ tình cảm nhiều hơn, bắt đầu từ việc chăm nói: “Mẹ yêu con”. 1-2 tuần đầu, câu nói thốt ra khó khăn như một thủ tục đơn thuần, nhưng ít lâu sau đó, mẹ có thể tự nhiên nói với rất nhiều cảm xúc, tình cảm. Dần dà, mẹ cảm nhận được tình cảm dạt dào tỏa ra làm yên lòng chính mẹ. Lúc này đây, con trở nên hiền lành hơn hẳn, còn thường cười và áp người vào mẹ.
Cuối cùng, mẹ tập ôm con, bày tỏ tình yêu mỗi khi con nổi giận. Điều này quả thực đã từng rất khó khăn, nhất là khi mẹ mệt mỏi và căng thẳng. Thế nhưng, mỗi khi mẹ dẹp bỏ được sự nóng tính, tự ái của bản thân, quay sang bày tỏ tình cảm, ôm con tha thiết, đó lại chính là liều thuốc thần kỳ giúp con lẫn mẹ hạ nhiệt nhanh nhất.
Dĩ nhiên, tất cả những điều trên, mẹ đã làm từng chút một, thời gian không tính bằng ngày mà tính bằng năm. Mọi cố gắng, nỗ lực của mẹ là để thuần hóa chính con hổ trong mẹ, để mẹ biết yêu thương là liều thuốc tốt nhất, là lý do để con với mẹ chung bước với nhau trong cuộc đời này. Từ đó, mẹ tự sửa đổi bản thân tốt hơn, và tuyệt hơn cả là con của mẹ biết yêu thương, quan tâm và dần bớt bạo lực. Con đường đó còn dài, nhưng mẹ tin một khi đã tìm được hướng đúng, hai mẹ con chỉ cần tiếp tục bước về phía trước
Theo Marrybaby.vn
Gửi câu hỏi