Hotline 1900-7158

Chán ăn khi mang thai: Nỗi lo của mẹ bầu


Trái ngược hình ảnh các bà bầu thường thấy, những người bị chán ăn khi mang thai thường không thoát khỏi trạng thái lo lắng, thấp thỏm. Bởi, hơn bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời, việc ăn uống của các mẹ bầu đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của bé yêu. Làm sao để thoát khỏi tình trạng chán ăn và mang đến cho con nguồn dinh dưỡng tốt nhất?
Tình trạng chán ăn khi mang thai có thể xảy ra với bất cứ mẹ bầu nào
Vì sao mẹ bầu chán ăn khi mang thai?
Bất kỳ mẹ bầu nào cũng được khuyên tích cực ăn uống để cung cấp dưỡng chất cho con phát triển. Với đa số mẹ bầu, việc ăn nhiều hơn bình thường trở thành một nhu cầu tự nhiên của cơ thể, đồng hành cùng quá trình lớn lên của thai nhi. Tuy nhiên, một số mẹ bầu lại không trải qua cảm giác thèm ăn mà ngược lại, họ cảm thấy chẳng còn món nào ngon miệng nữa. Hiện tượng chán ăn khi mang thai thường xảy ra trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên, khi bà bầu đang vật lộn với tình trạng ốm nghén, tuy nhiên, nhiều bà bầu bị chán ăn kéo dài trong suốt thai kỳ. Có nhiều lý giải cho tình trạng này, chẳng hạn như:
Đây là một cách để cơ thể bảo vệ thai nhi: Việc “quay lưng” với tất cả thực phẩm có thể là một cách để cơ thể người mẹ đảm bảo chắc chắn rằng không có yếu tố nào làm hại đến thai nhi.
Cơ thể đang làm quen với sự thay đổi của các hormone.
Các giác quan của bà bầu trở nên nhạy cảm hơn bình thường: Đa số các mẹ bầu đều nhạy cảm với mùi và vị. Đây là hệ quả của sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể.
Ốm nghén nặng: Ai có thể ăn uống thoải mái khi phải chịu đựng những cơn buồn nôn tái diễn hết đợt này đến đợt khác?
Xử lý sao khi bà bầu bị chán ăn?
Để dẹp bỏ mối lo lắng về việc không cung cấp đủ dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi, đồng thời lấy lại niềm vui khi ăn uống, mẹ có thể áp dụng các biện pháp dưới đây:
1. Uống nước đầy đủ: Mẹ bầu cần uống từ 2 đến 3 lít nước mỗi ngày trong suốt quá trình mang thai. Nước giúp bạn bớt mệt mỏi, đồng thời các loại nước trái cây như cam, chanh rất hữu hiệu trong việc giảm ốm nghén.
2. Chia nhỏ các phần ăn: Điều này làm cho mẹ bớt cảm giấc ngấy khi nhìn thấy thức ăn. Thay vì chỉ ăn 3 bữa với một lượng lớn thức ăn, mẹ có thể chia nhỏ thành 6 bữa với chỉ một chén nhỏ thức ăn trong các bữa chính và một vốc thức ăn nhẹ như hạt đậu hay trái cây khô trong các bữa phụ.
3. Tránh đồ ăn nặng mùi: Đa số các mẹ bầu chỉ thấy khó chịu trước một số mùi nhất định. Nếu bạn đang gặp tình trạng chán ăn khi mang thai, nên tránh những mùi như cá, quế, hồi, cà ri,hay bất cứ một hương vị nào có thể kích thích cơn buồn nôn.
4. Chọn món ít gia vị: Gia vị, đặc biệt là các món cay có thể khiến mẹ dễ đầy hơi, ợ nóng và thêm mệt mỏi, chán ăn.
5. Tập trung vào protein và tinh bột: Khi bà bầu bị chán ăn, tốt nhất bạn nên chọn các món ăn chứa nhiều carbohydrate và protein. Các món ăn này giải phóng nhiều calo cần thiết cho sự hoạt động của cơ thể, đồng thời giúp mẹ no lâu, giảm cảm giác mệt mỏi. Bên cạnh đó, chúng cũng giúp duy trì mức đường huyết ổn định.
6. Thử thức ăn ở nhiệt độ khác nhau: Đôi khi, vấn đề chán ăn đến từ cảm giác không thoải mái về nhiệt độ, chẳng hạn như món ăn đó quá nguội hoặc quá nóng. Nếu bạn cảm thấy thích ăn một món gì đó khi nóng, hãy thử cho nó vào lò vi sóng và hâm lại. Ngược lại, nếu muốn ăn một món nguội hoặc lạnh, hãy chờ vài phút để đồ ăn kịp hạ nhiệt nhé!
7. Đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin: Trái cây, rau củ là một nguồn vitamin tuyệt vời. Nếu mẹ không thể ăn nhiều, có thể lựa chọn các viên uống đa vi chất để mang đến cho bé những chất dinh dưỡng quan trọng như axit folic, vitamin D, C, E, sắt…
8. Không bỏ bữa: Đừng vì sợ nôn ói hay không hứng thú với việc ăn uống mà bỏ ăn, mẹ nhé. Không chỉ có bé yêu cần dinh dưỡng mà chính bản thân mẹ cũng cần được nạp năng lượng để khỏe mạnh và vui vẻ trong suốt thai kỳ đấy. Hơn nữa, việc ăn uống đa dạng trong thai kỳ rất có ích cho việc xây dựng khẩu vị của bé sau này, vì con đã được làm quen với hàng loạt loại đồ ăn khác nhau ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Câu hỏi lớn nhất của các mẹ đang bị chán ăn khi mang thai là: Liệu việc ăn quá ít có ảnh hưởng gì đến bé hay không. Thực tế là cơ thể của mẹ luôn ưu tiên dành nguồn dinh dưỡng cho sự phát triển của bé. Chính vì vậy, khi mẹ không ăn uống được nhiều, cơ thể mẹ sẽ tạm thời dành nguồn dinh dưỡng dự trữ cho bé cho đến khi mẹ vượt qua được thời gian ốm nghén hay lấy lại cảm giác thèm ăn. Trong trường hợp tình trạng này kéo dài khiến mẹ lo lắng, nên tìm đến các chuyên gia càng sớm càng tốt để tìm cách xử lý thích hợp.
Theo Marrybaby
Gửi câu hỏi