Hotline 1900-7158

Chăm trẻ bị sốt: Mẹ có đang phạm sai lầm?


Trẻ bị sốt là tình huống quen thuộc, thường thấy trong những năm đầu đời. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng hiểu và biết cách xử lý đúng trong tình huống này. Bạn đã biết hạ sốt cho trẻ đúng cách hay vẫn đang mắc sai lầm? Tìm hiểu ngay bài viết sau nhé!
Không thực sự hiểu về cơn sốt cũng như cách hạ sốt cho trẻ đúng cách là sai lầm thường gặp của nhiều mẹ khi chăm trẻ bị sốt. Liệu bạn có đang mắc phải sai lầm này? Bạn có chắc mình đã biết hết mọi điều về cơn sốt của trẻ? Tìm hiểu ngay những thông tin dưới đây để có câu trả lời cho mình, mẹ nhé!
Mẹ có chắc mình đã hiểu đúng hoàn toàn về cơn sốt của trẻ?
1/ Không phải tất cả trường hợp trẻ bị sốt đều nguy hiểm
Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh có thân nhiệt chưa ổn định, dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như vận động, tắm nước ấm hoặc mặc nhiều quần áo… Hơn nữa, nhiệt độ cơ thể có xu hướng tăng cao vào chiều tối và hạ thấp vào sáng sớm. Thay vì tập trung vào thân nhiệt, mẹ nên để ý thêm nhiều biểu hiện khác của trẻ. Nếu thấy trẻ rét run, xuất huyết, co giật, khó thở… mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ.
2/ Đo nhiệt độ ở hậu môn mới chính xác nhất
Đo nhiệt độ bằng nhiệt kế sẽ cho kết quả chính xác nhất, dù mẹ đo ở bất kỳ đâu? Thực tế, mẹ có thể đo nhiệt độ cho bé ở nách, tai nhưng vị trí cho kết quả chính xác nhất vẫn là hậu môn. Với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi, các chuyên gia vẫn khuyến khích nên đo nhiệt kế ở hậu môn. Nhiệt độ đo ở những vị trí khác có thể chênh lệch từ 1-2 độ C.
3/ Sốt là phản ứng phòng vệ của cơ thể
Không phải một loại bệnh, sốt là cách cơ thể phản ứng lại trước sự tấn công của các loại vi khuẩn, vi-rút, và được xem dấu hiệu của sự khỏe mạnh. Vì vậy, mẹ không cần quá lo nếu cơ thể bé cưng hơi tăng nhiệt nhẹ.
4/ Cho trẻ dùng thuốc hạ sốt quá sớm
Trẻ bị sốt có thể do nhiều nguyên nhân, và thuốc hạ sốt không phải biện pháp hoàn hảo cho tất cả trường hợp. Ngay khi phát hiện trẻ bị sốt, mẹ nên tìm cách hạ nhiệt cho trẻ bằng cách cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, dùng khăn ấm lau người. Đồng thời khuyến khích trẻ uống thêm nhiều nước. Thuốc hạ sốt chỉ nên dùng khi trẻ sốt cao liên tục, trên 39 độ và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Lưu ý: Mẹ nên xem kỹ hướng dẫn sử dụng để biết chính xác liều lượng cũng như chọn đúng loại thuốc phù hợp với tuổi của trẻ.
– Acetaminophen (Paracetamol) : Thuốc có thể dùng cho trẻ dưới 3 tháng tuổi. Liều lượng còn tùy theo cân nặng của trẻ. Cứ mỗi kg cân nặng tương đương khoảng 15 – 20 mg.
– Ibuprofen: Được sử dụng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Liều lượng cũng phụ thuộc vào cân nặng của trẻ, tương đương 5-10 mg/ kg.
– Aspirin: Không được dùng với mục đích hạ sốt  cho trẻ dưới 21 tháng tuổi.
Trong số những loại thuốc hạ sốt cho trẻ, Acetaminophen (Paracetamol) được xem là an toàn, ít tác dụng phụ nhất. Thuốc hạ sốt có thành phần Ibuprofen dễ gây phản ứng tiêu cực đến hệ tiêu hóa, còn thuốc có thành phần Aspirin có thể gây ảnh hưởng não. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc phối hợp.
5/ Chườm lạnh để hạ nhiệt?
Dùng khăn lạnh hoặc túi nước đá chườm lạnh cho bé là cách hạ sốt được nhiều mẹ áp dụng. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới, cách này chẳng những không giúp hạ sốt mà còn dẫn đến nhiều tác hại cho sức khỏe trẻ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, chườm lạnh chỉ thực sự có hiệu quả trong những trường hợp say nắng. Chườm lạnh trong những trường hợp trẻ bị sốt do nhiễm khuẩn chẳng những không có tác dụng hạ nhiệt, ngược lại chỉ làm bé thêm khó chịu. Hơn nữa, những trẻ bị viêm phổi khi được chườm lạnh sẽ làm tình trạng bệnh thêm nặng. Chườm lạnh bằng túi đã cũng bị cấm, vì có thể gây bỏng lạnh, dẫn đến tình trạng suy hô hấp.
Theo Marrybaby
Gửi câu hỏi