Hotline 1900-7158

Bé cưng có đang bị bắt nạt?


Mỗi ngày sau khi đi học về, bé cưng có thái độ, hành động ra sao? Có gì bất thường? Chỉ cần để ý những biểu hiện này của bé, mẹ sẽ biết ngay liệu con có đang trở thành nạn nhân của bạo lực học đường?
Bạo lực học đường, hay còn gọi là bắt nạt trường học là những hành vi cố ý sử dụng sức mạnh, quyền lực của học sinh hoặc giáo viên để đối với những học sinh, giáo viên khác. Bạo lực học đường có thể là hành vi bạo lực về thể xác, tinh thần, ngôn ngữ, tình dục, tài chính hoặc bất kỳ hành vi nào có thể gây tổn tương về mặt tâm lý, thể xác của người bị hại. Càng ngày, vấn đề bạo lực học đường càng trở nên nghiêm trọng, trở thành mối lo lớn của các phụ huynh có con em ở độ tuổi đến trường.
Ảnh hưởng của bạo lực học đường
Nếu hậu quả của bạo lực thể xác là những vết bầm tím, những vết thương trên cơ thể trẻ, thì bạo lực tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường để lại những vết thương tâm hồn. Sự sợ hãi, nỗi ám ảnh này có thể làm bé bị căng thẳng, dẫn đến trầm cảm. Trẻ sẽ không dám đến trường, thậm chí sợ hãi khi phải ra ngoài. Lâu dần, tình trạng này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập cũng như sự phát triển của trẻ về mặt xã hội lẫn cảm xúc.
Ngay cả khi chỉ chứng kiến không tham gia, bé cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Một vài bé sẽ sinh ra tâm lý sợ hãi như nạn nhân, nhưng cũng có bé sẽ hình thành xu hướng bạo lực, và trở thành kẻ bắt nạt trong tương lai. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy sự liên hệ chặt chẽ giữa hành vi bắt nạt bạn bè lúc nhỏ với những hành vi phạm pháp khi trưởng thành.
Dấu hiệu cho thấy bé đang bị bắt nạt
Không chỉ phải hướng dẫn con cách đối phó với kẻ bắt nạt, mẹ nên thường xuyên trò chuyện, lắng nghe chia sẻ từ bé. Khuyến khích bé kể chuyện xảy ra trên trường lớp để có thể “cứu” con kịp thời nếu có tiêu cực xảy ra. Đồng thời, mẹ cũng nên giúp bé rèn luyện sự tự tin, các kỹ năng sống, kỹ năng xã hội… để trẻ chủ động, linh hoạt hơn trong cuộc sống.
Các hành vi bắt nạt rất đa dạng, phức tạp
1. Bé lầm lì, ít nói
Đây là hệ quả tất yếu nếu trẻ thường xuyên bị bắt nạt, bị chịu tổn thương lâu dài cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong một vài trường hợp nặng hơn, bé có thể dễ bị kích động, trầm uất hoặc căng thẳng thần kinh quá mức.
2. Bé có phản ứng dữ dội khi bị trêu đùa
Nếu thường xuyên là nạn nhân của bạo lực học đường, bé sẽ trở nên nhạy cảm và sợ hãi quá mức với mọi hoạt động trêu đùa. Những tổn thương mạnh mẽ đã “ăn sâu” vào tâm trí trẻ. Ngay cả với những người thân trong gia đình, bé cũng sợ hãi và cảm thấy nguy cơ mình bị bắt nạt.
3. Bé có thái độ bạo lực hơn
Trẻ bị bắt nạt lâu ngày sẽ dần hình thành tích cách hung hãn, hoặc có quan niệm sống lệch lạc, không có thái độ tôn trọng người khác cũng như chính bản thân mình. Nghiêm trọng hơn, nhiều bé có hành động tự làm đau mình để giải tỏa căng thẳng.
4. Bé sợ đến trường
Bé có bao giờ giãy giụa, thậm chí gào thét khi bạn đưa trẻ đến trường? Tất nhiên, bé có thể “giở trò” đơn giản chỉ vì không thích đi học. Nhưng cũng không thể loại trừ hoàn toàn khả năng bé trốn học vì đang bị bắt nạt. Sẽ không một đứa trẻ nào muốn đến trường nếu bé đang bị bắt nạt. Vì vậy, thay vì bắt ép, la mắng khi con tỏ tháu độ không muốn đi học, mẹ nên tìm hiểu lý do.
5. Bé có vẻ sợ nhà vệ sinh
Nhà vệ sinh thường là “hiện trường” chính của rất nhiều trường hợp bạo lực học đường, bởi đây là nơi vắng, xa lớp học và không có sự giám sát của thầy cô giáo. Nếu đã từng bị bắt nạt, đánh đập ở đây, trẻ sẽ sinh tâm lý đề phòng, ám ánh.
Dạy con ngoan: Lưu ý dành cho mẹ
Thay vì đứng ra giúp bé ngay từ đầu, mẹ nên khuyến khích bé tự tìm cách giải quyết vấn đề của mình. Sớm hay muộn, bé cũng phải học cách thích ứng và đối mặt với khó khăn. Nếu bé tỏ ra lúng túng, mẹ có thể cho bé vài gợi ý. Tuy nhiên, tuyệt đối không khuyến khích trẻ dùng vũ lực để giải quyết, mẹ nhé!
Theo Marrybaby.vn
Gửi câu hỏi