Hotline 1900-7158

7 lý do các mẹ không bao giờ nên cắt cữ bú đêm của trẻ nhỏ


Cho dù bé yêu của bạn có được cho bú như thế nào thì những cữ bú đêm vẫn vô cùng mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu hiểu rõ hơn tầm quan trọng của nó, bạn chắc chắn sẽ có thêm sức mạnh để cùng con vượt qua giai đoạn đầu đời đầy thử thách.
Một trong những khó khăn lớn nhất của việc chăm sóc trẻ sơ sinh là tình trạng thiếu ngủ trầm trọng xảy ra với mẹ. Mỗi cữ bú đêm diễn ra, người mẹ dường như chưa kịp nghỉ ngơi được mấy, lại tiếp tục đến cữ tiếp theo. Thức dậy vào sáng hôm sau, cơ thể kiệt quệ tới mức, bạn có cảm giác như mình đã thức trắng đêm và bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu bú đêm có thực sự cần thiết đến vậy? 
1. Trẻ sơ sinh có dạ dày tí hon
Thời điểm chào đời, dạ dày bé chỉ có sức chứa 20ml chất lỏng và tăng dần lên sau đó. Ngoài ra, sữa mẹ giúp bé no bụng trong khoảng 1 giờ mà thôi. 
Đối với nhiều trẻ sơ sinh, thường gặp nhất là cữ bú cách nhau 1-2 tiếng. Khoảng cách giữa các cữ bú như vậy nằm trong giới hạn bình thường. Tin tốt lành là nếu bạn thường xuyên cho bé bú vào những ngày, những tuần mới chào đời, bạn sẽ giúp cơ thể đạt được khả năng sản sinh sữa cao nhất vào giai đoạn sau này. 
Bú mẹ có thể giúp phát huy nhịp sinh học ở trẻ và có tác dụng làm dịu cơ thể để trẻ ngủ ngon hơn về đêm.
2. Lượng sữa bú đêm đóng góp quan trọng trong tổng lượng sữa bé hấp thụ mỗi ngày
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phần lớn (khoảng 64%) trẻ sơ sinh bú mẹ trong thời gian 1-6 tháng đầu đời có từ 1 đến 3 cữ bú đêm (từ 10 giờ tối tới 4 giờ sáng hôm sau). Những cữ bú đêm cung cấp lượng sữa chiếm 24% tổng lượng sữa bé cần trong ngày. 
3. Cữ bú đêm giúp bé ngủ
Nhịp sinh học là đồng hồ sinh học nội tại của cơ thể, được quy định bởi các hormone giúp chúng ta thức và cảm thấy tỉnh táo, tràn đầy năng lượng vào ban ngày và giúp chúng ta dễ dàng đi vào giấc ngủ vào buổi tối. 
Sữa mẹ chứa tryptophan, một axit amin được cơ thể sử dụng để tạo nên melatonin – hormone giúp đem giấc ngủ đến và điều hòa giấc ngủ. Hàm lượng tryptophan trong sữa mẹ tăng lên, giảm xuống tuỳ thuộc vào nhịp sinh học của người mẹ. Do đó, bú mẹ có thể giúp phát huy nhịp sinh học ở trẻ và có tác dụng làm dịu cơ thể để trẻ ngủ ngon hơn về đêm.  
4. Nhịp sinh học ở trẻ sơ sinh vẫn đang hoàn thiện
Bú mẹ có thể giúp thiết lập nhịp sinh học của trẻ sơ sinh. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, nhịp sinh học thường chưa xuất hiện cho tới khi trẻ được 2 tháng tuổi. Do đó, chỉ sau khoảng thời gian này, bé mới chịu ảnh hưởng từ hormone sinh lý một cách rõ rệt, để giúp cơ thể nhận biết đâu là ngày, đâu là đêm.
Như vậy, bất kể trẻ được bú mẹ hay bú bình, những giấc ngủ dài hơn về đêm là một cột mốc phát triển quan trọng mà mỗi trẻ đạt được với tốc độ khác nhau. 
5. Bú đêm cần thiết để duy trì tình trạng người mẹ không có kinh nguyệt trong thời gian cho con bú (Lactational Amenorrhea)
LAM, hay Lactational Amenorrhea Method, là biện pháp kế hoạch hóa gia đình hiệu quả tới 98% nếu sử dụng đúng cách. Nếu bé dưới 6 tháng tuổi và được bú mẹ hoàn toàn (cả ngày lẫn đêm), và nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn vẫn chưa trở lại, bạn có thể sử dụng phương pháp này để tránh thai. Không hề hiếm gặp những trường hợp người mẹ thấy xuất hiện trở lại chu kỳ kinh nguyệt khi họ loại bỏ hay giảm một cách đáng kể thời lượng bú đêm cho con. 
Vẫn có thể mang thai khi sử dụng phần lớn các biện pháp tránh thai, ngay cả khi nguy cơ rất nhỏ. Nếu bạn rất không muốn có thai trở lại quá sớm, hãy xem xét việc sử dụng thêm một biện pháp tránh thai bổ sung khác, ví dụ, bao cao su. 
6. Bú mẹ giúp ngăn ngừa hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh
Có lẽ, một trong những lý do quan trọng nhất để duy trì cữ bú đêm là chúng giúp giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Những lần tỉnh thức trong đêm của bé được xem là cơ chế sinh tồn quan trọng. Và ở trẻ đang bú mẹ, những lần tỉnh thức này thường xuyên hơn. 
Cữ bú đêm giúp giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.
Bởi vì bú mẹ là cách thông thường để cho bé sơ sinh ăn, nó nên được công nhận là tiêu chuẩn, là lựa chọn hàng đầu, nếu so với các dạng thức cho bé sơ sinh ăn khác. Theo quan điểm này, nếu bú mẹ không làm giảm nguy cơ SIDS thì bú bình lại làm tăng nguy cơ SIDS. 
Tổ chức sức khỏe hàng đầu Australia, National Health and Medical Research Council, chỉ ra rằng, không bú mẹ làm tăng nguy cơ SIDS lên 56%. Xét trường hợp cụ thể là Australia, nguy cơ bị SIDS hiện ở mức 1/3000 trẻ sơ sinh. Do đó, nếu mọi trẻ sơ sinh đều bú bình, mức tăng 56% nguy cơ bị SIDS sẽ thể hiện ở tỷ lệ 3/6000 trẻ. 
7. Những người mẹ cho con bú thực sự được ngủ nhiều hơn
Các nghiên cứu cho thấy, kết hợp giữa bú mẹ và bú bình giảm tổng thời gian ngủ của người mẹ và tăng khoảng thời gian chuẩn bị cho giấc ngủ nếu so sánh với việc bú mẹ hoàn toàn. 
Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, những người mẹ cho con bú hoàn toàn có thêm 40-45 phút ngủ nhiều hơn so với những người mẹ cho con bú bình. Dù 40-45 phút nghe có vẻ không nhiều, nhưng nó lại có thể tạo nên sự khác biệt lớn lao ở những phụ nữ chăm con nhỏ vốn thiếu ngủ trầm trọng. 
Như vậy, ngủ xuyên đêm là một cột mốc phát triển của bé và không liên quan tới cách trẻ được cho bú như thế nào. Trong khi đó, duy trì cữ bú đêm, bạn sẽ có được không ít lợi ích mà bạn sẵn sàng đánh đổi bằng tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ của mình.
Theo Afamily
Gửi câu hỏi