Hotline 1900-7158

5 trò chơi dân gian ba mẹ chơi cùng con càng nhiều càng tốt


Nhiều phụ huynh than phiền con mình suốt ngày chỉ biết cắm mặt vào tivi hoặc ipad nhưng không bao giờ tạo cho con những hoạt động giải trí hấp dẫn. Hãy chơi cùng con, thay vì than phiền. Có 5 trò chơi dân gian rất đơn giản, có thể bày trò ngay trong nhà, để cha mẹ và con cái vừa học vừa chơi một cách hứng thú.
Bức tranh “Chơi ô ăn quan” được hoạ sĩ Phan Chánh vẽ năm 1931 thể hiện nét đẹp hồn nhiên, dung dị của trẻ em Việt Nam
1. Banh đũa
Đây là một trò chơi cực kỳ hấp dẫn, đặc biệt là với các bé gái. Hơn thế, trò chơi banh đũa giúp trẻ tinh mắt, rèn luyện sự nhạy bén, dẻo dai của đôi tay.
Ngày nay đã được biến tấu đi chút xíu để phù hợp hơn với trẻ em bây giờ và cả bé trai bé gái đều chơi được, đơn giản hơn với các bước:
1. Rải đũa ra mặt sàn. Cầm sẵn quả bóng trong tay.
2. Tung bóng lên, sau đó nhanh tay nhặt 1 chiếc đũa và chụp bóng lại.
3. Để bóng chạm sàn 1 lần rồi chụp.
4. Nếu chụp hụt bóng, người chơi bị mất lượt và chuyển cho bạn chơi.
5. Nâng số đũa phải nhặt trong những lượt tiếp theo.
Trò này sẽ sôi động hơn khi được chơi nhiều người, đặc biệt là các thành viên trong gia đình, cha mẹ cùng con cái.
2. Oẳn tù xì
Là một trò chơi đơn giản, chỉ cần hai người trở lên, mẹ ngồi cạnh bé, cha ngồi cạnh con, hay cả gia đình quây quần với nhau thì trò chơi có thể bắt đầu.
Mọi người gia trò chơi chỉ cần giơ tay ra và đong đưa theo nhịp câu hát: “Oẳn tù tì, ra cái gì? Ra cái này“. Sau đó tất cả người chơi cùng xòe tay theo các hình: chĩa ngón trỏ là dùi, nắm tay là búa, xòe cả bàn tay là lá, chĩa ngón trỏ và ngón giữa là kéo.
Người thắng cuộc được tìm ra theo quy tắc sau:  dùi đâm thủng lá; dùi khoan được kéo;  kéo cắt được lá; búa nện được kéo, dùi nhưng bị lá bọc.
Trò chơi này rèn tính phán đoán và phản xạ nhanh cho trẻ. Đặc biệt trẻ sẽ học được tư duy logic.
3. Kéo cưa lừa xẻ
Trò chơi này sẽ giúp bé vận động nhiều hơn với những hoạt động thể chất đòi hỏi sự kết hợp của cả cơ thể. Ba hoặc mẹ và bé có thể chơi trò chơi dân gian này ở nhà với cách chơi cực kỳ đơn giản.
Ba/mẹ ngồi đối diện bé và cầm nắm chặt tay bé. Vừa hát bài đồng dao dưới đây vừa làm động tác đầy người qua từng bên người chơi và lại đẩy lại tương ứng với mỗi một câu hát. Động tác này giống như hai người thợ cùng nhau chung sức cưa một khúc gỗ và hát bài hát sau:
“Kéo cưa lừa xẻ
Ông thợ nào khỏe
Về ăn cơm vua
Ông thợ nào thua
Về bú tí mẹ”
Khi bài hát kết thúc cũng là lúc cưa kéo về bên nào thì người đó bị thua.
Chơi trò này còn giúp trẻ học được nhịp điệu, âm vần của bài thơ đồng thời vận động cơ thể một cách nhịp nhàng. Bên cạnh đó, trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu của ba/mẹ qua ánh mắt, nụ cười hoặc cử chỉ âu yếm.
4. Trốn tìm
Trốn tìm là trò chơi kích thích trí tò mò, rèn luyện sự nhạy bén và tính phán đoán cho trẻ nhỏ. Chỉ cần có 2 người, hoặc đông hơn thì có thể chơi trò này.
Sau khi oẳn tù xì, người thua sẽ nhắm mắt thật kỹ; người thắng sẽ nhanh chân nấp mình bất kỳ nơi nào bé thấy thích.
Sau khi đếm “5-10-15-20-….. -100 thì người nhắm mắt có thể mở mắt ra bắt đầu đi tìm người đang trốn.
Trong khoảng thời gian quy định, nếu người đi tìm tìm ra người đang núp thì người thua chuyển thành người thắng. Trò chơi tiếp tục sau khi đổi vai trò cho nhau.
5. Ô ăn quan
Đây là trò chơi giúp trẻ nhạy bén với việc tính toán và rèn luyện kỹ năng phán đoán. Trò này có thể được chơi ở trong nhà hay ngoài trời với các ô kẻ trên giấy, nền đất, miếng gỗ phẳng,…
Bàn chơi được kẻ thành một hình chữ nhật rồi chia hình chữ nhật đó thành mười ô vuông, mỗi bên có năm ô đối xứng nhau. Ở hai cạnh ngắn hơn của hình chữ nhật, kẻ hai ô hình bán nguyệt hoặc hình vòng cung hướng ra phía ngoài. Các ô hình vuông gọi là ô dân còn hai ô hình bán nguyệt hoặc vòng cung gọi là ô quan.
Quân chơi gồm 2 loại quan và dân được thu thập từ những vật có kích thước dễ cầm nắm và không quá nhẹ để tránh gió thổi như: sỏi, đá, khuy áo, hạt một số loại quả… Số lượng “quan” luôn là 2, còn số lượng “dân” thay đổi tùy theo số ô ở hai bên, miễn là đảm bảo 5 “dân” trong một ô lúc bắt đầu chơi.
Hai người ngồi hai bên cạnh của hình chữ nhật đã vẽ và lần lượt bốc quân ở ô bất kỳ để rải 1 quân ở tất cả các ô đi qua, rải đến khi nào gặp một ô trống (trừ ô quan) thì được ăn số quân ở ô liền sau ô trống đó. Cứ rải quân như vậy cho đến khi nào ăn hết quan thì đếm số quân ở hai bên, ai nhiều hơn là người thắng.
Hơn tất cả những bài học trẻ nhận được từ trò chơi, khi ba mẹ và con cái chơi cùng nhau, tình cảm gia đình sẽ ngày càng gắn bó yêu thương.
Theo Lit Art/ Kênh Số 5
Gửi câu hỏi