Hotline 1900-7158

10 cách giáo dục con hiện đại mọi bà mẹ nên học hỏi


Quy tắc để duy trì mọi mối quan hệ là tôn trọng nhau, nhưng là tự nguyện. Hãy học cách làm bạn với con, tôn trọng con và đừng đem con mình ra so sánh với con nhà người ta.
Cha mẹ là những người thầy đầu tiên của con. Cách cha mẹ dạy con ảnh hưởng trực tiếp đến nhân cách và lối sống của trẻ. Xã hội hiện đại cũng khác trước rất nhiều, đó là lý do các ông bố bà mẹ cần phải điều chỉnh cách dạy con của mình hợp với cuộc sống mới.
Trong vô vàn phương pháp dạy con mới, cha mẹ nên tập trung vào 10 cách giáo dục con hiện đại này trước tiên.
1. Chơi với con và trở thành một người bạn thân thiết của con
"Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", nếu bạn áp dụng cách dạy này với con, bạn có thể đang tạo ra một đứa trẻ vô cảm và lì lợm. Đặc biệt trong xã hội hiện đại, nếu trẻ không được quan tâm về tâm tư tình cảm bên cạnh sự đầu tư về kiến thức trong nhà trường, chúng rất dễ dàng sống trong thế giới ảo, hoặc mắc các bệnh về tâm lý như trầm cảm, tự kỷ, tự ti...
2. Cho trẻ không gian riêng tư
Đừng nghĩ rằng bạn luôn kèm cặp con cả ngày sẽ tốt cho con. Trẻ nhỏ cũng cần có một không gian riêng tư để thư giãn sau những giờ học căng thẳng ở trường lớp. Bạn đừng đổ lỗi cho công việc bận rộn. Hẳn là cuối tuần bạn có thời gian cho con đi chơi ở công viên chứ? Nếu con muốn chơi ở nhà hàng xóm thì sao? Đừng ngăn cản con, hãy để con trò chuyện với bạn bè hoặc mời hàng xóm đến nhà bạn chơi để con có bạn chơi cùng.
3. Chú ý nhiều hơn và khuyên răn ít đi
Lời khuyên chỉ thực sự hữu ích khi trẻ cần nó và muốn lắng nghe. Thay vì khuyên răn con giống như mệnh lệnh bắt con phải làm theo, tại sao mẹ không chú ý đến con nhiều hơn để biết con cần gì và mẹ có thể làm gì để giúp con?
4. Hỏi và trả lời
Như đã nói ở trên, nếu bạn đang học cách để trở thành một người bạn của con, tốt nhất bạn nên hạn chế ra lệnh cho con. Hãy coi con như một người đồng trang lứa, trò chuyện với con, ra lệnh với con một cách khéo léo bằng các câu hỏi. Và thậm chí, bạn cũng có thể tự hỏi và tự trả lời giống như một chỉ dẫn dành cho con.
5. Đi chơi cùng nhau
Xã hội hiện đại tạo nhiều khoảng cách cho các mối quan hệ gia đình, thay vào đó là các mối quan hệ làm ăn, hội, nhóm,... Nếu không thể gặp con thường xuyên cả ngày hoặc cả tháng, bạn cần phải bù đắp thời gian cho con vào một lúc khác. Hãy hẹn con giống như hẹn một người quan trọng và cần phải thực hiện cuộc gặp đó sớm. Sự gắn kết của các thành viên trong gia đình giúp trẻ cảm thấy hạnh phúc, tự tin, hòa đồng với bạn bè và cảm thấy an toàn.
6. Nói ít làm nhiều
Trẻ nhỏ luôn coi cha mẹ là tấm gương để học tập. Cách tốt nhất để bạn thực hiện được vai trò này là thể hiện khả năng của bạn qua hành động. Con bạn sẽ vô cùng ngưỡng bộ bạn và có những động lực mạnh mẽ để học tập sự tài giỏi của bạn.
7. Đừng so sánh con mình với con nhà người ta
Mọi thứ đều có hai mặt. Nếu bạn luôn khen con mình tài giỏi, trẻ sẽ mắc tính kiêu ngạo. Nếu bạn luôn chê con mình kém cỏi, trẻ rất dễ cảm thấy tự ti với bạn bè. Vậy khen và chê trẻ như thế nào cho phải? Tốt nhất là không nên so sánh. Nếu con bạn yếu đuối, hãy ở bên con để động viên con. Nếu con bạn đạt được thành tích, hãy coi trọng thành tích của con và khích lệ con cố gắng hơn.
8. Tôn trọng con
Đừng yêu cầu con phải tôn trọng mình theo giáo điều. Quy tắc để duy trì mọi mối quan hệ là tôn trọng nhau, nhưng là tự nguyện. Nếu bạn tôn trọng con trong lời nói xin lỗi hoặc cảm ơn, trong hành động đánh đòn hoặc ôm con vào lòng... chắc hẳn con sẽ tự biết phải tôn trọng lại cha mẹ như thế nào.
9. Dạy con cách tìm bạn tốt
Cuộc sống hiện đại khiến nhiều ông bố bà mẹ lo lắng về các mối quan hệ của con ở trường lớp. Thực tế, đây là vấn đề quan trọng mà bất kể phụ huynh nào cũng cần chú ý đến. Hãy luôn hỏi con về các hoạt động ở trường lớp, tìm hiểu các thông tin về những người bạn của con và khuyên con nên chơi hoặc tránh tiếp xúc với những người cụ thể. Nếu cần thiết, cha mẹ có thể can thiệp để con không tiếp tục với một mối quan hệ xấu càng sớm càng tốt.
10. Kỷ luật đúng cách
Kỷ luật giúp cuộc sống của chúng ta có hệ thống hơn. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ nên dạy cho trẻ tính kỷ luật từ sớm. Trẻ cần tuân thủ kỷ luật, nhưng kỷ luật phải dựa trên sự tôn trọng và phải tạo ra hiệu quả. Nếu không, kỷ luật sẽ trở thành công cụ làm tổn thương trẻ nhỏ và ám ảnh chúng khi lớn lên.
Theo Congluan
Gửi câu hỏi